83MEC – HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SẢN XUẤT HÀNG KINH TẾ XUẤT KHẨU

cơ khí 83 - gia công, sản xuất cơ khí

Những năm qua, cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy Z183 (tên doanh nghiệp là Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí 83 – 83MEC) đã tích cực huy động nguồn lực khoa học – công nghệ phục vụ sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu, góp phần khẳng định năng lực, uy tín, thương hiệu của Nhà máy trên thị trường trong và ngoài nước.

Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất kinh tế và xuất khẩu đến năm 2030 của Đảng ủy Z183 xác định: “Khai thác, sử dụng hiệu quả dây chuyền công nghệ hiện có; nâng cao tỷ trọng đầu tư cho sản xuất kinh tế và lưỡng dụng; tích cực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, thành tựu cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư vào sản xuất; đổi mới và hiện đại hóa công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành sản xuất; tích cực thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Nhà máy thông minh”.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy xác định tập trung nguồn lực, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên và người lao động; điều chỉnh, sắp xếp lại lực lượng lao động trên các dây chuyền sản xuất; rà soát, tinh giản biên chế, đảm bảo bộ máy gián tiếp tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường quản lý nội bộ, bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới các quy chế, quy định; bố trí lại mặt bằng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất; đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu sản xuất, phát triển hàng kinh tế xuất khẩu, nhất là sản phẩm truyền thống có thế mạnh và sản phẩm mới.

Mặt khác, Nhà máy xây dựng chiến lược kinh doanh, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chứng nhận chất lượng quốc tế và tiêu chuẩn Việt Nam; tích cực tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế; duy trì và phát triển thị trường trong nước; chú trọng cải tiến năng suất, chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng niềm tin của khách hàng và văn hóa kinh doanh…

Cùng với đó, Nhà máy tích cực áp dụng khoa học – công nghệ (KHCN) để khai thác tối đa công năng của các dây chuyền, thiết bị, như: hệ thống thiết bị dập, các thiết bị gia công vỏ liều, gia công cơ khí (tiện, phay, mài, đúc, rèn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt…). Nhà máy cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để chủ động đầu tư đổi mới KHCN, phát triển công nghệ sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, Nhà máy đã đầu tư mua mới 12 thiết bị, máy móc, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng từ nguồn Quỹ “phát triển khoa học – công nghệ” đưa vào phục vụ sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu. Từ hiệu quả đầu tư, Nhà máy đã sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm kinh tế, như: hộp sắt, bếp nướng, nắp thùng photpho, đèn chiếu sáng, trụ nước, van nước phòng cháy, chữa cháy, phụ kiện ngành điện, nước, chi tiết máy nông nghiệp… được đối tác, bạn hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và giá cả cạnh tranh.

Song song với đầu tư đổi mới công nghệ, Nhà máy đã phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo và đưa phong trào đi vào nền nếp, thực chất, có chiều sâu, phát huy được trí tuệ, sự say mê sáng tạo của người lao động.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SẢN XUẤT HÀNG KINH TẾ XUẤT KHẨU

Khách hàng nước ngoài tham quan dây chuyền sản xuất hộp sắt xuất khẩu tại Nhà máy Z183.  Ảnh: BẢO LINH

Từ năm 2018 đến nay, Nhà máy có 20 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, gần 400 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trên 500 ý tưởng Kaizen được áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu là: “Giải pháp tự động hóa thao tác gia công các chi tiết của hộp sắt xuất khẩu”; “Hệ thống sấy tự động sản phẩm sơn tĩnh điện”… đây là những sáng kiến, giải pháp đột phá về KHCN, tạo bước nhảy vọt về năng lực công nghệ, gia tăng độ chính xác của các chi tiết và tính thẩm mỹ của sản phẩm, tiết kiệm chi phí, phù hợp với mô hình sản xuất vừa và nhỏ.

Ngoài ra, Nhà máy còn tích cực nghiên cứu áp dụng một số phần mềm hỗ trợ quản lý để cập nhật, ghi chép thông tin về tiến độ và các thông số để kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu suất của dây chuyền, trang – thiết bị, máy móc.

Nhờ huy động nguồn lực khoa học – công nghệ phục vụ sản xuất đã góp phần đưa doanh thu của Nhà máy năm 2023 đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2018 (trong đó, doanh thu từ xuất khẩu đạt trên 7 triệu USD).

Thông qua việc huy động nguồn lực KHCN đã giúp Nhà máy Z183 cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất; cải tiến phương pháp quản lý; nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc của cán bộ, công nhân viên và người lao động; giải quyết được các vướng mắc về công nghệ sản xuất; chất lượng sản phẩm quốc phòng và kinh tế được nâng cao; một số sản phẩm cơ khí chính xác đã xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Anh, Ý, Canada, Singapore, Trung Đông.

Đặc biệt, sản phẩm hộp sắt xuất khẩu của Nhà máy đã được cấp chứng chỉ UN – chứng nhận sản phẩm hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là điều kiện thuận lợi để Nhà máy mở rộng thị trường xuất khẩu đến các nước trên thế giới; đồng thời mang lại doanh thu liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2023, doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2018 (trong đó, doanh thu từ xuất khẩu đạt trên 7 triệu USD); đời sống, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện.

Qua việc huy động nguồn lực KHCN ứng dụng vào sản xuất giúp Nhà máy hạn chế được thời gian làm tăng ca, thêm giờ của người lao động. Năm 2018, thời gian làm tăng ca, thêm giờ của người lao động bình quân 0,67giờ/người/ngày; năm 2023, giảm xuống còn 0,28 giờ/người/ngày; thao tác của người công nhân đã bớt được nhiều khâu nặng nhọc, đảm bảo an toàn lao động.

Dây chuyền sản xuất hộp sắt xuất khẩu của Nhà máy Z183. Ảnh: BẢO LINH

Phát huy hiệu quả của KHCN phục vụ sản xuất quốc phòng và hàng kinh tế xuất khẩu, Nhà máy Z183 phấn đấu giai đoạn 2022-2025, doanh thu từ sản xuất hàng kinh tế tăng trên 15%/năm; doanh thu xuất khẩu tăng trên 20%/năm; sản phẩm quốc phòng đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Nhà máy tiếp tục khai thác sử dụng hiệu quả dây chuyền công nghệ hiện có; tích cực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất; đổi mới và hiện đại hóa công nghệ gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; tích cực thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Nhà máy thông minh.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế, chính sách về KHCN theo hướng lấy năng suất, chất lượng sản phẩm làm trung tâm, khuyến khích các phòng, ban, phân xưởng và người lao động ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; nâng cao năng lực nghiên cứu, tiến tới làm chủ một số công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, công nghệ mũi nhọn, góp phần giải quyết các vướng mắc trong quá trình sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Nhà máy chú trọng công tác thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực KHCN về đơn vị công tác; chú trọng “ươm mầm sáng tạo”, nhằm hình thành thế hệ cán bộ khoa học trẻ với tư duy đổi mới, năng động, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Nhà máy Z183 chú trọng công tác thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực KHCN về đơn vị công tác; chú trọng công tác “ươm mầm sáng tạo”, nhằm hình thành thế hệ cán bộ khoa học trẻ với tư duy đổi mới, năng động, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

      (Đại tá Vương Chí Toại, Giám đốc Nhà máy Z183)

Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp, Nhà máy Z183 sẽ nỗ lực phấn đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, tiếp tục phát triển bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *